PHÂN BÓN - CÂY TRỒNG - AGROLIFE

Phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng

Phân hữu cơ có vai trò quan trọng trong ngành trồng trọt, nhất là rau màu và cây ăn trái. Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn giúp cải tạo đất, giữ ẩm, làm tơi xốp đất, tạo điều kiện thuận lôi cho hệ vi sinh vật có lợi hoạt động, phát huy hiệu quả của phân bón vô cơ, giảm thất thoát phân bón.


Phân hữu cơ là loại phân bón sử dụng các nguyên vật liệu hữu cơ như xác bã thực vật, phân động vật, rác thải, phụ phế phẩm nông nghiệp,...Phân hữu cơ được chia làm bốn nhóm: (1) Phân hữu cơ truyền thống được tạo thành bằng cách ủ hoai mục các chất thải động vật (phân heo, trâu, bò, gà vịt,…) hay các phụ phế phẩm nông nghiệp, phân xanh (xác bã thực vật, bèo,…) và bón cho cây trồng; (2) Phân hữu cơ sinh học: có nguyên liệu từ hữu cơ, được thực hiện theo quy trình công nghiệp dưới sự tham của một hay nhiều chủng vi sinh; (3) Phân hữu cơ vi sinh: Là loại phân được sản xuất như phân hữu cơ sinh học nhưng được bổ sung một hoặc nhiều loại chủng vi sinh vật còn sống; vi sinh vật này sẽ hoạt động khi phân được bón vào đất để phát huy vai trò của mình; (4) Phân hữ cơ khoáng: là phân hữu cơ sinh học được phối trộn thêm các loại phân vô cơ.

Phân hữu cơ không ảnh hưởng xấu đến môi trường, động vật và chất lượng nông sản. Thêm vào đó, phân hữu cơ bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo đất, cung cấp hệ vi sinh vật để cải tạo đất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản (nếu được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật). Phân hữu cơ vi sinh còn có vai trò quan trọng khác là bổ sung hệ vi sinh vật có ích vào đất, giúp chúng sinh sôi về số lượng, đa dạng về chủng loại để kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Ví dụ như nấm Trichoderma có thể giảm tác hại của bệnh thối rễ gây ra trên cây có múi và rau màu, hoặc có thể bổ sung các vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân để bổ sung nguồn dưỡng chất hữu hiệu cho cây trồng.

Trong canh tác rau màu và cây ăn trái, vai trò của phân hữu cơ ngày càng được thể hiện rõ rệt. Do có tác dụng tương đối chậm hơn so với phân hóa học, nên quan trọng cần bón phân hữu cơ đúng cách mới phát huy được tác dụng một cách rõ rệt. Đối với rau màu (các loại rau ăn lá; bầu, bí, dưa,..) phân hữu cơ nên dùng để bón lót. Lượng bón phân hữu cơ có thể từ 8 đến 10 tấn/ha/vụ đối với phân hữu cơ truyền thống và từ 300 đến 400 kg/ha/vụ đối với phân hữu cơ chế biến. Đối với cây ăn trái, nên bón vào đầu mùa nắng để cải thiện độ phì của đất và tăng khả năng giữa ẩm cho đất, có thể bón từ 1-3 kg/m2 quanh gốc. Trước khi bón có thể dùng cuốc xới nhẹ để tránh rửa trôi phân bón và có thể kết hợp với việc bồi liếp (khu vực đồng Bằng sông Cửu Long).

Cần phải nhận thấy rằng, phân hữu cơ và hóa học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Khó có thể thay đổi hoàn toàn phân hóa học bằng phân hữu cơ và ngược lại. Mỗi loại có vai trò trực tiếp khác nhau góp phần quyết định năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Việc kết hợp hài hòa phân hữu cơ và phân vô cơ sẽ mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp nói chung và hướng đến sản xuất hiện đại và bền vững.

 

Th.S PHẠM VĂN TRỌNG TÍNH

Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nông nghiệp

    Khoa Phát triển Nông thôn

Trường Đại học Cần Thơ