YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC TRONG KHUYẾN CÁO - SỬ DỤNG PHÂN BÓN CHO CÂY TRỐNG
Đất là nơi cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng. Bên cạnh việc nắm rõ các yếu tố lý hóa đất và dinh dưỡng; cần thiết phải có biện pháp bổ sung dinh dưỡng cho đất, duy trì sức sản xuất của đất và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây trồng. Bón phân cân đối và đúng nguyên tắc là biện pháp then chốt giúp gia tăng năng suất, sản lượng, tăng phẩm chất và hạn chế các tác động xấu đến môi trường.
1. YÊU CẦU TRONG KHUYẾN CÁO VÀ SỬ DỤNG PHÂN BÓN
Việc khuyến cáo hay sử dụng phân bón cho cây trồng cần đạt các yêu cầu sau:
Năng suất tối đa: Có thể đạt được khi tất cả các yếu tố sinh trưởng cây trồng đạt tốt nhất. Như vậy, cần bón phân cân đối để cây trồng hút dinh dưỡng nhiều nhất, đảm bảo sinh trưởng tốt nhất và cho năng suất cao nhất.
Năng suất kinh tế tối hảo: Ở đây có nghĩa cần bón phân sao cho cây trồng đạt mức năng suất mà ở đó lại cho hiệu quả kinh tế cao nhất (mức năng suất này có thể thấp hơn mức năng suất tối đa). Mức hiệu quả kinh tế này tùy thuộc rất nhiều vào giá cả phân bón và sản phẩm.
Chất lượng tốt nhất: Tùy thuộc vào từng loại nông sản mà có chỉ tiêu chất lượng đặc thù (ví dụ như hàm lượng đường trong các loại trái cây, hàm lượng tinh bột, protein trong các hạt cây ngũ cốc, cây lương thực; hàm lượng lipid trong các loại cây lấy dầu…) mà có biện pháp bón phân phù hợp. Chi phí bón phân nâng cao chất lượng sản phẩm được hoàn trả bằng cách tăng giá bán sản phẩm.
Rủi ro thấp nhất: Là tại mức năng suất kinh tế tối hảo, rủi ro trong sản xuất thấp nhất. Để hạn chế thấp nhất các rủi ro, chi phí đầu vào cần thấp nhất. Cụ thể cần chia nhỏ tổng lượng phân bón thành nhiều lần bón theo nhu cầu của cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng phân bón và năng suất cây trồng. Có nghĩa là khi bón phân cho cây trồng, cần đảm bảo nguyên tắc 5 ĐÚNG trong sử dụng phân bón
Tốt cho môi trường: Liên quan đến việc quản lý dinh dưỡng sao cho môi trường ít bị tác hại nhất. Quan trọng nhất là phân đạm, cần bón sao cho vừa đủ đạt năng suất ở mức tối hảo nhưng không thừa để hạn chế rửa trôi nitrat gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu: chỉ tình trạng chi phí sử dụng năng lượng, nhiên liệu cho sản xuất được hoàn trả qua sản lượng cây trồng thu được. Như vậy, cần giảm tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu nhưng vẫn đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.
2. NGUYÊN TẮC ĐỂ KHUYẾN CÁO, SỬ DỤNG PHÂN BÓN
2.1 Bón phân theo vùng sinh thái
Lượng dinh dưỡng trong đất và khả năng cung cấp dinh dưỡng từ đất cho cây trồng khác nhau tùy theo thành phần, địa hình, chế độ thủy văn, khí hậu,.. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện từng vùng mà có cách khuyến cáo hay sử dụng phân bón khác nhau. Tại Việt Nam, việc khuyến cáo và sử dụng dinh dưỡng cũng rất khác nhau giữa các vùng như Đồng Bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Vùng cao nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và nhất là vùng Đồng Bằng sông Cửu Long.
Ở đồng bằng sông Cửu Long do tính chất rất khác nhau về mẫu chất, sa cấu, sự nhiễm phèn, nhiễm mặn nên dưỡng chất trong đất khác nhau: (1) Nhóm đất phù sa cổ ở khu vực Đức Hòa, Mộc Hóa tỉnh Long An; (2) Nhóm đất phù sa mới dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu thuộc các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ,.. (3) Nhóm đất phù sa xa sông với sa cấu nặng có nhiều sét; (4) Nhóm đất phèn ở vùng Đồng Tháp Mười, một phần các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang và vùng trũng phèn ở Tây Nam sông Hậu như một phần của Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; (5) Nhóm đất xám bạc màu ở khu vực chân núi huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; (6) Nhóm đất nhiễm mặn ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng có cả đất phù sa nhiễm mặn, đất cát phèn nhiễm mặn và đất cát nhiễm mặn. Do đó, chế độ phân bón cần chú ý sự khác biệt này giữa các nhóm đất.
2.2 Bón phân theo vùng khí hậu, mùa vụ
Điều kiện khí hậu của vùng hay theo mùa quyết định tới ánh sáng, nhiệt độ, lượng mưa. Khí hậu ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa dinh dưỡng trong đất, hao phí phân bón (bốc hơi, rửa trôi). Bên cạnh đó, các yếu tố này còn ảnh hưởng đến sinh trưởng (quang hợp, hấp thu dinh dưỡng) của cây trồng. Do đó, việc khuyến cáo sử dụng phân bón và sử dụng phân bón cũng khác nhau theo vùng và mùa vụ.
Nhìn chung, lượng dinh dưỡng từ đất cung cấp cho cây trồng thấp thì lượng phân bón khuyến cáo, sử dụng phải cao và ngược lại, khi cây trồng bị giới hạn sinh trưởng phát triển bởi yếu tố khí hậu mà chưa khắc phục được, năng suất cây trồng không cao thì lượng phân bón sử dụng cần phải thấp. Ví dụ như trên cây lúa trong vụ Hè Thu, lượng phân đạm khuyến cáo cần thấp hơn so với vụ Đông Xuân là do ánh sáng yếu, năng suất lúa không thể đạt cao hơn. Tuy nhiên cũng có thể điều chỉnh cao thấp để đáp ứng
2.3 Bón phân dựa vào thí nghiệm đồng ruộng, quan sát cây và phân tích
Các nhà nghiên cứu thường dựa vào kết quả thí nghiệm đồng ruộng, dựa vào năng suất cây trồng đạt được khi bón phân ở các mức khác nhau để xác định liều lượng phân bón hợp lý cho cây trồng.
Bên cạnh đó, việc bón phân cho cây trồng còn dựa vào triệu chứng thiếu dinh dưỡng đặc trưng, biểu hiện rõ nhất trên lá. Tuy nhiên, ở một số cây trồng không thể hiện sự thiếu đặc trưng ra ngoài hoặc cần chính xác thì có thể dựa vào kết quả phân tích dinh dưỡng có trong đất, dinh dưỡng có trong cây trồng để đưa ra khuyên cáo phù hợp trên cơ sở mối quan hệ dinh dưỡng của đất và cây trồng.
Như vậy, để có những khuyến cáo trong việc sử dụng phân bón hay cách sử dụng phân bón đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính khoa học thì cần dựa vào đặc điểm từng vùng sinh thái, khí hậu, mùa vụ hoặc các phương pháp thí nghiệm, phân tích khoa học. Bên cạnh yếu tố năng suất thì các yếu tố kinh tế, hạn chế rủi ro, hạn chế tác động môi trường cũng cần được quan tâm.
Th.S PHẠM VĂN TRỌNG TÍNH
Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nông nghiệp
Khoa Phát triển Nông thôn
Trường Đại học Cần Thơ
- 0 Bình luận